Top đầu gia công phần mềm hấp dẫn nhất khu vực và trên thế giới
Việt Nam đứng trong tốp 10 nước gia công phần mềm hấp dẫn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây cũng được xem là lợi thế giúp tốc độ tăng trưởng của ngành phần mềm trong nhiều năm qua từ 30 – 40%. Hiện nay, các sản phẩm, dịch vụ phần mềm nói riêng, công nghệ thông tin nói chung ở nước ta đã ứng dụng nhiều công nghệ mới, thậm chí có những công nghệ đứng số 1 thế giới như NFT game hay còn gọi là “trò chơi siêu bình thường” (hyper casual).
Theo Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), cách đây 20 năm có 55 hội viên, doanh thu toàn ngành khoảng 50 triệu USD. Trong năm 2021, doanh thu ngành công nghệ thông tin đạt hơn 3,46 triệu tỷ đồng, tăng hơn 9% so với năm 2020. Đặc biệt, doanh thu của 174 sản phẩm, dịch vụ vừa đạt danh hiệu Sao Khuê năm 2022 đã cao như nhận định của ông Nguyễn Văn Khoa – Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA).
“174 giải thưởng Sao Khuê từ 113 doanh nghiệp trên cả nước, có doanh thu hơn 16.000 tỷ đồng, tương đương với gần 700 triệu USD, đã cao hơn doanh thu của toàn ngành phần mềm năm 2008. Đồng thời, 80% sản phẩm và các giải pháp này đã sử dụng các công nghệ tiên phong như trí tuệ nhân tạo, học máy, robot tự động. Trong đó có những sản phẩm và các giải pháp đem lại hiệu quả kinh tế đặc biệt và đặc biệt cao. Chúng ta có thể thấy rõ các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã tiếp cận nhanh chóng các công nghệ mới, đồng thời có sự phân mảnh, bài bản, đầu tư rất có trọng tâm trong các lĩnh vực công nghệ mới”, ông Khoa chia sẻ.
Từ một đất nước phải nhập khẩu thiết bị, máy tính và điện thoại di động, đến nay Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu các sản phẩm công nghệ thông tin nhờ thu hút và sử dụng hiệu quả đầu tư nước ngoài và phát huy sức mạnh các nguồn lực trong nước.
Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, công nghiệp công nghệ thông tin có tốc độ tăng trưởng trung bình là 14,7%/năm, cao hơn mức tăng trưởng kinh tế và chỉ tiêu của ngành (10%); Công nghiệp phần mềm duy trì tốc độ tăng trưởng 15%/năm, công nghiệp nội dung số tăng trưởng 7,47%/năm. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất công nghiệp phần cứng, điện tử – viễn thông, đứng thứ hai về sản xuất điện thoại và linh kiện; thứ 10 thế giới về sản xuất điện tử và linh kiện. Chỉ trong 6 tháng cuối năm 2021, doanh thu ngành công nghiệp công nghệ thông tin đạt khoảng 140 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 14% so với năm 2020.
Chủ động công nghệ, nguồn lực để hướng tới một Việt Nam hùng cường
Mặt khác, phải thừa nhận không ít doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ do người Việt đứng đầu, nhất là ở mảng công nghệ mới, đã phải đăng ký kinh doanh ở nước ngoài thay vì ở Việt Nam, do một số hạn chế về chính sách quản lý.
Đánh giá về các nền tảng công nghệ do người Việt sáng tạo phục vụ cho chuyển đổi số hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng hiện đã có đủ thành phần, tuy nhiên chưa đủ độ sâu và bao phủ cần có.
Tập đoàn công nghệ Bkav vừa ra mắt công ty thành viên Bkav Hardware Solution (BHS), cung cấp dịch vụ nghiên cứu, phát triển và sản xuất sản phẩm điện tử, định hướng hoạt động như một nhà sản xuất ODM, giống mô hình của Foxconn. Chiến lược của BHS là hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia mạnh mẽ vào ngành công nghiệp điện tử, thúc đẩy hình thành các công ty sản xuất phần cứng lớn mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm sáng tạo Make in Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Đăng, Tổng Giám đốc Bkav Hardware Solution (BHS) chia sẻ, làm sản phẩm điện tử ở Việt Nam là việc khó, cần vốn đầu tư mạnh, nhân lực tốt, văn hóa sáng tạo, mạng lưới cung ứng rộng… Không nhiều doanh nghiệp hội tụ được những điều đó, kể cả trên phạm vi toàn cầu.
“Chúng tôi mong muốn chia sẻ nguồn lực, tham gia cùng các doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ cao, giúp rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm, giảm chi phí đầu tư. Nếu có thêm 10 công ty sản xuất phần cứng lớn mạnh, Việt Nam sẽ sớm hiện thực hóa khát vọng cường quốc công nghệ”, ông Đăng bày tỏ.
“Bkav đã có 20 năm đầu tư, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm điện tử, tạo được hệ sinh thái gồm nhân lực, công nghệ, hệ thống quy trình thiết kế, sản xuất cũng như mạng lưới chuỗi cung ứng. Đặc biệt, thông qua chứng nhận Golden Design Partner, Bkav có thể sử dụng các nguồn lực công nghệ trong hệ sinh thái Qualcomm. Vì vậy, Bkav muốn chia sẻ các nguồn lực đang có, đồng hành cùng doanh nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ chất lượng cao, cùng xây dựng ngành công nghiệp điện tử do người Việt Nam làm chủ”, ông Đăng khẳng định.
Việt Nam đang trong thời kỳ vàng để trở thành cường quốc công nghệ. Ngành công nghiệp điện tử đã có những bước tiến lớn, nhưng để tự chủ hoàn toàn, chúng ta cần nhiều nguồn lực hơn nữa.
Đầu năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xây dựng Chương trình thúc đẩy các nền tảng số quốc gia, nhằm hướng đến mục tiêu hình thành Hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam, đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số. Qua đó, tập hợp các doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc, có tiềm lực, tập trung đầu tư phát triển các nền tảng số quốc gia; tạo lập được một số nền tảng số Việt Nam xuất sắc. Để có thể vươn lên vị trí cao hơn trong xuất khẩu các phần mềm như một dịch vụ, giải pháp, thì đang cần nhiều hơn nữa những “kỳ lân công nghệ” như Công ty Sky Mavis – nhà phát triển tựa game nổi tiếng Axie Infinity hay sự góp sức của những tập đoàn lớn như Bkav, VinGroup…/.